Đặc điểm thủy Văn Tỉnh Tây Ninh

Như chúng ta đã biết Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia. Chảy qua địa phận Tây Ninh có 2 sông chính là sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn có một công trình thủy lợi cấp Quốc Gia là Hồ Dầu Tiếng.
Hồ Dầu Tiếng là công trình khai thác nguồn nước tưới phục vụ mục đích tưới kết hợp với thủy điện ngoài ra đóng một vai trò rất quan trọng đó là phục vụ việc đẩy mặn trên sông Sài Gòn vào mùa khô. Công trình này nằm trên sông Sài Gòn và chủ yếu thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Phần hưởng lợi chính thuộc về Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh. Hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng gồm hồ chứa nước từ lưu vực với diện tích 2.700 km2, hệ thống công trình đầu mối gồm: đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, hai công trình lấy nước và hệ thống kênh tưới (kênh Đông, kênh Tây và kênh Tân Hưng). Các sông Tà Môt, sông Tha La, suối Ngô, suối Nước Đục là nguồn cung cấp cho hồ trong mùa mưa. Năm 1981 công trình chính thức khởi công, hồ bắt đầu tích nước từ mùa mưa 1984 và hoạt động theo chế độ điều tiết nhiều năm. Nhiệm vụ chính cho công trình là tưới cho 138.000 ha thuộc 4 tỉnh/thành phố: Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Long An và Bình Dương (trong đó có khoảng 138 ha tưới trực tiếp và 45.000 ha gián tưới gián tiếp); xả đẩy mặn sông Sài Gòn tháng II - IV với tổng lượng 158,8 triệu m3; cấp nước sinh hoạt cho nhà máy nước Bến Than trên sông Sài Gòn trong thời gian 7 tháng (tháng I - VII) với tổng lượng 92 triệu m3. Mới đây có lắp đặt nhà máy thủy điện với công suất 2 MW tại kênh Đông, trong tương lai sẽ lắp đặt nhà máy thủy điện trên kênh Tây với công suất 2 MW. Các thông số chủ yếu của hồ Dầu Tiếng như sau:
-   Diện tích lưu vực:                                                       2.700 km2;
-   Lưu lượng trung bình                                                      61,8 m3/s;
-   Mực nước dâng bình thường                                          24,40 m;
-   Mực nước chết                                                                 17,00 m;
-   Mực nước lũ thiết kế                                                       25,10 m;
-   Dung tích hiệu dụng                                                        1,056 x 106 m3;
-   Diện tích ứng với mực nước dâng bình thường           270 km2;
-   Đỉnh lũ thiết kế 0,1%                                                      4.800 m3/s;
-   Lưu lượng lũ lớn nhất qua tràn                                      2.800 m3/s.
Sông Sài Gòn bắt nguồn từ Krachê – Campuchia ở độ cao trên 200 m so với mực nước biển. Đoạn đầu, sông chảy gần như dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia, đến hợp lưu với suối Sanh Đôi đổi sang hướng Tây Bắc – Đông Nam cho đến khi đổ vào sông Đồng Nai. Từ sau đập Dầu Tiếng, sông đi qua vùng đồng bằng, chịu tác động của triều. Toàn bộ chiều dài sông từ thượng nguồn đến mũi Đèn Đỏ khoảng 280 km, độ dốc trung bình của sông là 0,69 %, hệ số uốn khúc 2,27, lưu lượng vào mùa kiệt là 6 m3/s và lưu lượng trung bình là 69 m3/s. Đoạn thượng lưu có lòng sông hẹp với chiều rộng trung bình 20 m, uốn khúc quanh các triền đồi đến hồ Dầu Tiếng, tại đây có đập thủy lợi ngăn dòng, độ cao nước lên đến 25 m, tạo nên hồ chứa nước có diện tích 27.000 ha và dung tích chứa khoảng 1,45 tỷ m3, phục vụ tốt cho các nhu cầu sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh. Diện tích lưu vực của sông Sài Gòn khoảng 4.500 km2, bao gồm một phần của tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của sông Sài Gòn đổ vào sông Đồng Nai là 2,96 tỷ m3. Sông Sài Gòn nối với sông Đồng Nai thông qua hệ thống sông Rạch Chiếc ở đoạn gần hợp lưu của 2 sông.
Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ thôn Suông tỉnh Compong Chàm – Campuchia ở độ cao 150 m so với mực nước biển, chảy qua các huyện Tân Biên, Châu Thành, Hòa Thành, Gò Dầu, Trãng Bàng của tỉnh Tây Ninh theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, sau đó đến cửa Rạch Tràm rồi đổ vào địa phận tỉnh Long An qua các thị trấn Đức Huệ, Hiệp Hòa, Bến Lức, Tân Trụ chảy đến ngã ba Bầu Quỳ (Cần Đước – Long An) và hợp lưu với sông Vàm Cỏ Tây, sau đó theo sông Vàm Cỏ đổ ra sông Soài Rạp và ra biển Đông. Chiều dài sông Vàm Cỏ Đông khoảng 270 km. Đoạn chảy qua tỉnh Tây Ninh dài 151 km với hệ số uốn khúc 1,78 và độ dốc lòng sông 0,4%. Đoạn chảy qua tỉnh Long An dài 75 km. Sông Vàm Cỏ Đông nối với sông Vàm Cỏ Tây bằng các con kênh ngang Mareng – Rạch Gốc, Trà Cú Thượng, kênh Thủ Thừa và các kênh đào T1-T2, T3-T4, T5-T6. Ngoài ra sông Vàm Cỏ Đông còn nối với sông Sài Gòn bởi các kênh Thầy Cai, An Hạ, Rạch Trà và sông Bến Lức.
Diện tích lưu vực kín của sông Vàm Cỏ Đông tính đến Gò Dầu hạ là 5.650 km2, lưu lượng bình quân nhiều năm vào khoảng 94 m3/s, lưu lượng bình quân vào những mùa kiệt đạt đến 10m3/s. Tổng lưu lượng dòng chảy bình quân nhiều năm là 3,1 tỷ m3. Lưu vực sông Vàm Cỏ Đông tương đối kín, trừ trường hợp lũ sông Mêkông lớn và lượng nước xả từ hồ Dầu Tiếng xuống khoảng 10 ÷ 12 m3/s (năm 1996) sẽ làm lưu vực bị ảnh hưởng mạnh. Sông Vàm Cỏ Đông không chỉ nổi tiếng về vẻ đẹp nên thơ và những trang sử hào hùng mà còn cùng với sông Sài Gòn từ bao đời nay vẫn cần mẫn, không ngừng bồi đắp cho miền đất này bao nguồn lợi cần thiết cho sản xuất và đời sống của con người. Ngoài ra, Vàm Cỏ Đông còn có thể được xem là vành đai thủy của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN).

Nhận xét